Logo

Chuỗi cung ứng lạnh – tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam

Các nước có nền nông nghiệp phát triển, được hiểu là các chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản lạnh khác nhau, nhằm bảo đảm và kéo dài tuổi thọ của các mặt hàng nhạy cảm với nhiệt độ cao như sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến, hoa tươi cắt cành, các sản phẩm dược phẩm đặc biệt là vacxin .
 
Về cấu trúc, các chuỗi cung ứng lạnh bao gồm hai hệ thống logistics cơ bản: (1) Mạng lưới nhà kho lạnh được kiểm soát tốt về nhiệt độ để bảo quản các mặt hàng nhạy cảm và dễ hỏng. (2) Hệ thống vận tải lạnh bao gồm các loại phương tiện chuyên chở như xe tải, container lạnh, các thiết bị chuyên dụng cho hoạt động vận chuyển và giao nhận kiểm tra, duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết.
 
Tùy thuộc vào loại sản phẩm và yêu cầu cụ thể về thời gian và khoảng cách cũng như mục tiêu sử dụng của hàng hóa trong chuỗi cung ứng, chuỗi lạnh sẽ cung cấp các khoảng nhiệt độ thích hợp cho sản phẩm trong toàn bộ quá trình cung ứng với các tiêu chuẩn nhiệt độ phổ biến là: Đông lạnh sâu (Deep Frozen) từ -28 đến -30°C. Đây là mức nhiệt độ lạnh nhất chủ yếu dành cho vận chuyển hải sản. Đông lạnh (Frozen) Từ -16 đến -20°C, chủ yếu dành cho vận chuyển thịt. Lạnh (Chiller) từ 2 đến 4°C, là mức chuẩn nhiệt độ trong tủ lạnh và thường được sử dụng để vận chuyển trái cây và rau quả để có được thời hạn sử dụng tối ưu. Ngoài ra mức từ 2 đến 8°C, là thích hợp để bảo quản dược phẩm thông thường. Khoảng nhiệt từ 12 đến 14°C thích hợp cho chuỗi cung ứng chuối, là một trong những loại trái cây sản xuất và vận chuyển nhiều nhất thế giới.
 
Ở các chuỗi lạnh chất lượng cao, các thiết bị theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ là ưu tiên hàng đầu vì nó cho phép các hàng hóa bảo quản có được các điều kiện bảo quản chính xác trong những điều kiện mong muốn. Chuỗi cung ứng lạnh không chỉ chú ý tới các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm tạo ra cho hàng hóa, mà nhân tố thời gian cũng được kiểm soát khá chặt chẽ, chính vì vậy các chuỗi cung ứng lạnh có tốc độ cung ứng rất kịp thời. Để tạo ra những lợi thế này, về mặt tổ chức các chuỗi lạnh thường tập trung vào 3 hợp phần chính là: Trang bị các thiết bị dự trữ và vận chuyển hàng hóa an toàn đồng bộ trong điều kiện khí hậu được kiểm soát. Đào tạo các nhà quản lý và nhân viên có chuyên môn trong điều hành, sử dụng và duy trì các thiết bị chuyên dụng. Xây dựng các thủ tục để quản lý các quá trình vận hành, quy trình kiểm soát và sử dụng các thiết bị tối ưu.
 
Bằng việc tạo ra các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp cho hàng hóa trong những khoảng thời gian thích ứng với chu kỳ tươi mới của các sản phẩm dễ hỏng, chuỗi cung ứng lạnh mang lại lợi ích thiết thực trong giảm chi phí sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất cho các chuỗi cung ứng hàng hóa dễ hư hỏng.
 
Gia tăng giá trị cho các sản phẩm dễ hỏng nhờ việc duy trì và kéo dài chu kỳ sống cho sản phẩm trong tình trạng an toàn. Nghiên cứu ở hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy, các sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng rất thấp, ở Ấn Độ (7%), Trung Quốc (23%) trong khi các nước phát triển là 100%. Việc sử dụng chuỗi lạnh sẽ kéo dài thời gian sử dụng của rau quả từ 2-3 ngày tới 7 ngày khi bảo quản tại nhà, cũng như tăng thời gian trưng bày tại cửa hàng từ 3 lên đến 7 ngày và làm giảm hao hụt từ 60-70 %.
 
Gia tăng sự hài lòng của khách hàng do đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững.
 
Nhờ các hoạt động bảo quản và dự trữ tốt trong các điều kiện của chuỗi lạnh, chất lượng hàng hóa được duy trì, sự tươi mới đảm bảo, số lượng hàng hóa hao hụt giảm đi, nhờ đó lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường tại chỗ sẽ gia tăng, góp phần đáp ứng nhiều và tốt hơn cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương và nội địa. Hao hụt ít hơn đồng nghĩa với khối lượng sản phẩm nhiều hơn, nhờ vậy, các mặt hàng dễ hỏng như nông sản, thủy sản, hoa quả… có thể xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới với khoảng cách xa nhưng chất lượng vẫn được duy trì trong thời gian dài do các điều kiện của chuỗi lạnh tạo ra.
 
Các chuỗi cung ứng lạnh hợp nhất (Cold Chain Interaction System) còn cho phép phối hợp tốt hệ thống thông tin giữa các hoạt động logistics trong chuỗi nhờ đó, chuỗi lạnh không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí mà còn nâng cao hiệu quả và sức mạnh của sản phẩm trên thị trường. Các hệ thống cung ứng lạnh còn có thể trở thành một phần hợp nhất quan trọng của chiến lược thương hiệu sản phẩm, giúp thỏa mãn khách hàng tốt hơn, thị phần lớn hơn, lợi nhuận cao hơn và rủi ro ít hơn.
 
Phát triển các chuỗi cung ứng lạnh còn góp phần hỗ trợ nhà nước trong hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm với hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Giải quyết tốt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ sinh thái và tăng trưởng kinh tế bền vững.
 
XU HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH TRÊN THẾ GIỚI
 
Nhu cầu phát triển các chuỗi cung ứng lạnh bắt đầu từ các quốc gia phát triển và dựa trên một số nhân tố tác động chính. Trước hết là xu hướng toàn cầu hóa tăng nhanh cho phép di chuyển các sản phẩm nông nghiệp thuận lợi giữa các quốc gia toàn cầu, kéo theo sự gia tăng về thương mại toàn cầu với các mặt hàng dễ hỏng như rau quả, hàng thủy sản, hoa tươi trong các năm gần đây. Tiếp theo là khuynh hướng tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe dẫn tới gia tăng sự quan tâm của người tiêu dùng, tạo ra áp lực xã hội, thúc đẩy các quy định luật pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề có liên quan đến sức khỏe tại các nước có nền kinh tế phát triển. Cuối cùng là khả năng chuyên môn hóa và tính hiệu quả của ngành logistics tại các quốc gia phát triển cho phép ứng dụng các chuỗi cung ứng lạnh có nhiệt độ tối ưu và kiểm soát chủ động một cách thuận lợi để nâng cao hiệu quả và tốc độ đưa sản phẩm tới thị trường.
 
Theo thống kê, trong hai thập niên trở lại đây, các quốc gia có tốc độ tăng trưởng chuỗi lạnh nhanh nhất là Pháp, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha và Brazil, đây cũng là các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững hoặc có các ngành nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu. Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia có số dân đông nhất thế giới và là những nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu cũng là những quốc gia có sự tăng trưởng nhanh về các chuỗi cung ứng lạnh trong các năm gần đây.
 
Ấn Độ là nhà sản xuất lớn thứ hai về trái cây và rau quả trên thế giới, với sản lượng hàng năm 46 triệu tấn trái cây và 91 triệu tấn rau quả, trị giá tổng cộng 25 tỷ USD, đóng góp gần 10% và 13% sản lượng của thế giới. Tuy nhiên đây là nước lãng phí nhiều trái cây và rau quả hơn tiêu thụ. Khoảng 30% các loại trái cây và rau quả trồng ở Ấn Độ (tương đương 40 triệu tấn trị giá khoảng 3 tỷ USD) bị lãng phí hàng năm. Ấn Độ cũng là nước sản xuất sữa nhiều nhất thế giới, với số lượng gần 100 triệu tấn, chiếm gần 17% lượng sữa toàn cầu. Tuy nhiên khoảng hơn 10% lượng sữa này bị hư hỏng do các điều kiện bảo quản và dự trữ. Một sản phẩm nông nghiệp của nông dân bán ra với giá 1 USD khi đến tay người tiêu dùng trở thành 1,6 USD với sữa, 2,2 USD với sản phẩm là cá và 3,5 USD là sản phẩm các loại trái cây và rau quả. Điều này cho thấy chi phí cho các sản phẩm dễ hỏng này trong quá trình phân phối tiêu thụ là không nhỏ và thiệt hại từ sản phẩm nông nghiệp trong quá trình này là một vấn đề nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân tổn thất do xử lý sau thu hoạch 30%, thì 65% là do khiếm khuyết trong chuỗi lạnh như cơ sở hạ tầng yếu kém, không đủ công suất kho lạnh, không có kho lạnh gần các trang trại, yếu kém về hạ tầng giao thông. Trong đó, lưu trữ 30%, vận chuyển 30%; Thiếu kiến thức về kỹ thuật bảo quản tốt hơn 5%. Việc áp dụng vận chuyển các loại trái cây và rau tươi trong container lạnh và giảm thiểu khoảng cách này trong dây chuyền lạnh có thể làm giảm thiệt hại từ 30-35%, và cứ giảm 1% trong lãng phí trái cây và rau quả sẽ tiết kiệm 0,13 tỷ USD/năm
 
Trung Quốc là nước có số dân đông nhất thế giới và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của VN (23%) cũng đã nhanh chóng hình thành Kế hoạch phát triển ngành Logistics Chuỗi Lạnh nông sản vào năm 2010, các tỉnh và thành phố Trung Quốc đã có kế hoạch 5 năm (2011-2015) cho logistics chuỗi lạnh. Ví dụ, Bắc Kinh có kế hoạch tăng tỷ lệ chuỗi lưu thông lạnh của các loại trái cây và rau quả, thủy sản, và các sản phẩm thịt hiện nay từ 10%, 30% và 50% đến 20%, 45% và 70% tương ứng giai đoạn 2011-2015. Trùng Khánh có kế hoạch để nâng cao tỷ lệ chuỗi lưu thông lạnh của các loại trái cây và rau quả, sản phẩm thịt và các sản phẩm thủy sản 20%, 30% và 37% hoặc cao hơn, tăng giá cước vận tải lạnh của sản phẩm đó khoảng 46%, 52% và 65%, và giảm tỷ lệ tổn thất của các sản phẩm đến 15%, 8,5%, 10% hoặc ít hơn vào cuối năm 2015.